Thị trường Bao bì
18/9/2021

Kết quả khảo sát tình hình ngành in Việt Nam

Hiệp hội Bao bì Việt Nam trân trọng kính mời Quý hội viên tham khảo kết quả khảo sát nghiên cứu các chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp in và bao bì tại Việt Nam, do Cổng thông tin điện tử Prima, phối hợp với Hiệp hội in Việt Nam và Hội in TPHCM thực hiện.

Kết quả khảo sát tình hình ngành in Việt Nam

Cuộc khủng hoảng kinh tế do COVID-19 gây ra đã có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các ngành sản xuất tại Việt Nam. Để hiểu thêm về tình hình kinh doanh và giúp các công ty in – bao bì định hướng vượt qua khủng hoảng, cổng thông tin điện tử Prima đã phối hợp với Hiệp hội in Việt Nam và Hội in TPHCM tiến hành khảo sát nghiên cứu các chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp in và bao bì tại Việt Nam.

Vì số lượng mẫu chưa đủ để đại diện cho ngành In và bao bì (chưa đủ 100) nên chúng tôi đã phỏng vấn thêm Giám đốc các doanh nghiệp. Kết quả khảo sát này là sự kết hợp giữa phiếu trả lời trực tuyến, trả lời qua phiếu giấy và điện thoại phỏng vấn trực tiếp. Các số liệu khảo sát chỉ mang tính tham khảo cho đến khi chúng tôi có đủ mẫu. Kết quả khảo sát được trình bày dưới đây:

1. Về thành phần các công ty tham gia khảo sát: Phần lớn các doanh nghiệp tham gia khảo sát hoạt động trong lĩnh vực in thương mại (60%) và in bao bì (47,8%). Ngoài ra còn có một số các đơn vị in nhãn hàng, in nhanh, in xuất bản phẩm và cung ứng nguyên vật liệu.

https://prima.vn/wp-content/uploads/2021/09/KS1.png
Đồ thị 1: thành phần các công ty tham gia khảo sát

2. Về quy mô của doanh nghiệp: phần lớn các doanh nghiệp (70%) có doanh thu trung bình 5 năm dưới 100 tỷ, 30% doanh nghiệp tham gia khảo sát có doanh thu trên 100 tỷ. Mẫu này đại diện cho các doanh nghiệp in – bao bì vừa và nhỏ.

https://prima.vn/wp-content/uploads/2021/09/KS2.png
Đồ thị 2: quy mô các công ty tham gia khảo sát

3. Về vị trí địa lý: khoảng 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát hoạt động tại TPHCM, 25% ở Hà Nội và 16% ở các tỉnh khác.

https://prima.vn/wp-content/uploads/2021/09/KS3.png
Đồ thị 3: thành phần các công ty tham gia khảo sát

4. Về sự biến đổi doanh số: Trong khoảng thời gian bắt đầu giãn cách nghiêm ngặt và thực hiện 3 tại chỗ tại TPHCM (từ 15/7 đến 15/8) khoảng 80% nhà in bị giảm doanh số, 12% có doanh thu không thay đổi và cá biệt có 8% tăng doanh số, phần lớn doanh thu tăng từ in dược phẩm, bao bì cho lãnh vực vệ sinh và thực phẩm. Trên thực tế, với sự hạn chế đi lại theo các mức độ giãn cách xã hội, doanh thu của ngành In – bao bì đã giảm từ trước ngày 15/7.

Trong các nhà in có doanh số giảm thì có đến 69% bị giảm đáng kể (từ 40 % cho đến hơn 80%). Các doanh nghiệp còn lại có doanh số giảm trung bình 30%.

https://prima.vn/wp-content/uploads/2021/09/KS4.png
Đồ thị 4: thành phần các công ty tham gia khảo sát

Trong số các doanh nghiệp có doanh số tăng, một nửa các doanh nghiệp có doanh số tăng 10% và một nửa có doanh số tăng trung bình 30%

Khảo sát cũng cho thấy, tương ứng với việc giảm doanh số tương ứng với nguồn hàng, trong khoảng thời gian 1 tháng (từ 15/7-15/8) có đến 75% doanh nghiệp in – bao bì hoạt động giảm công suất, 21% doanh nghiệp có công suất không đổi và khoảng 4% có tăng.

5. Về thực hiện 3 tại chỗ: Có khoảng 50% số doanh nghiệp In – Bao bì thực hiện 3 tại chỗ, 46% buộc phải đóng cửa do không đáp ứng các yêu cầu phòng dịch và 4% thực hiện 3T nhưng sau đó phải dừng. Điều này góp phần làm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất trong nước trầm trọng hơn.

Cũng như các ngành khác, số doanh nghiệp in – bao bì phải dừng kinh doanh do dịch tập trung phần lớn tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Đây cũng là những địa phương có số ca mắc Covid-19 cao nhất cả nước hiện nay và thực hiện giãn cách xã hội kéo dài.

Theo khảo sát của vnexpress, từ tháng 5 năm 2021 đến nay, các doanh nghiệp đã dừng hoạt động vì các lý do bên dưới và ngành In – bao bì cũng không khác là bao.

https://prima.vn/wp-content/uploads/2021/09/KS5.png
Đồ thị 5: lý do các doanh nghiệp dừng hoạt động do Covid 19 từ tháng 5/2021 đến nay

Đối với các doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ trung bình chỉ có khoảng một nửa số công nhân ở lại làm việc, đa số các công ty có công nhân ở lại khoảng 30%.

Sau một tháng sản xuất 3 tại chỗ, 72% nhà máy có lượng công nhân không thay đổi, còn lại là công nhân bỏ về vì nhiều lý do, trong đó lý do chủ yếu là hoàn cảnh gia đình và không quen với việc vừa làm vừa ở tại công ty.

Đến ngày 15/8, 67% doanh nghiệp In – bao bì tiếp tục thực hiện 3 tại chỗ giữ được khoảng 90% nhân viên và các doanh nghiệp còn lại giữ được ít nhân viên hơn nhưng tương đối ổn định (khoảng 80%)

6. Về khả năng tiếp tục thực hiện 3 tại chỗ: Khi được hỏi về khả năng tiếp tục thực hiện 3 tại chỗ, khoảng 60% các doanh nghiệp đều cho rằng khả năng thực hiện 3 tại chỗ tối đa là đến hết tháng 8, khoảng 33% cho rằng có thể thực hiện được 2 tháng và một ít có thể trên 2 tháng nếu thoả mãn các điều kiện về hậu cần và chuỗi cung ứng.

Nhiều giám đốc doanh nghiệp cho rằng việc thực hiện 3 tại chỗ không mang lại lợi nhuận mà chủ yếu là phục vụ khách hàng và cố gắng giữ nhân viên. Đa số các các doanh nghiệp chịu đựng các chi phí phát sinh do thực hiện 3 T và dẫn đến thua lỗ.

https://prima.vn/wp-content/uploads/2021/09/KS6.png
Đồ thị 6: thời gian các doanh nghiệp dự định thực hiện tiếp 3 tại chỗ

Đối với các doanh nghiệp đã thực hiện 3 tại chỗ, rất nhiều rủi ro tiềm ẩn mà chỉ có những người tổ chức thực hiên 3T mới thấu hiểu.

Lý do các doanh nghiệp In – bao bì quyết định dừng sản xuất 3 tại chỗ vẫn là thiếu nguồn hàng (27%) và tiềm lực tài chính (27%), các lý do còn lại chia đều cho: sợ bị lây Covid, e ngại không được cấp phép hoạt động 3 tại chỗ, không đủ nguồn hàng… Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp muốn thực hiện 3 tại chỗ nhưng khi kêu gọi ngân viên ở lại thì các trưởng bộ phận và thợ lành nghề bỏ về hết, chỉ có thợ phụ và những người chưa đủ năng lực quản lý, điều này dẫn đến doanh nghiệp phải lo các điều kiện 3 tại chỗ cho nhân viên trong khi không thể duy trì sản xuất như mong đợi. Cũng có trường hợp doanh nghiệp In – bao bì đang hoạt động 3 tại chỗ thì máy hư, không có người sửa, không có phụ tùng thay thế, không mua được vật tư, hàng làm ra không giao được…và cũng có các trường hợp công nhân đầy đủ, vật tư sẵn sàng, máy móc hoạt động tốt nhưng không có hàng để làm!… Việc hạn chế đi lại, đứt gẫy chuỗi cung ứng kết hợp với việc chưa xem ngành In – bao bì là ngành được ưu tiên đã làm các doanh nghiệp hoạt động 3 tại chỗ ngày càng khó khăn.

https://prima.vn/wp-content/uploads/2021/09/KS7.png
Đồ thị 7: lý do các doanh nghiệp In và bao bì không muốn tiếp tục thực hiện 3 tại chỗ

Hơn nửa doanh nghiệp In – bao bì đang tạm dừng hoạt động không ước tính được phải tạm đóng trong thời gian bao lâu. Điều này cho thấy họ khá bị động, không thể dự tính được các kế hoạch sử dụng lao động, đặt nguyên vật liệu sản xuất… Số doanh nghiệp in – bao bì dự định sẽ đóng cửa từ 1-3 tháng là 28%, khoảng 12 % doanh nghiệp sẽ đóng cửa 3-6 tháng. Số liệu này cũng tương ứng với các số liệu chung của các ngành khác.

Một điểm cần lưu ý là 100% các doanh nghiệp In – bao bì lo ngại nhất về chi phí xét nghiệm. Quả thật đây là một chi phí lớn cho các doanh nghiệp khi phải thực hiện đúng theo yêu cầu của các cơ quan chức năng.

7. Nguồn nhân lực:

Nguồn nhân lực của các công ty phụ thuộc nhiều vào lao động ngoại tỉnh, biến cố tiêu cực của đại dịch vừa rồi đã làm cho các doanh nghiệp mất đi một lượng nhân lực dù cho doanh nghiệp có hoạt động hay không, phần lớn nhân lực do e ngại đại dịch kéo dài, không có thu nhập trong khi chi phí tăng vọt đã về quê hay theo ở nhà theo sự phân công lao động có lợi hơn cho gia đình. Kết quả khảo sát cho thấy khoảng 29% doanh nghiệp in đã có sự giảm lao động so với trước ngày 15/7. Tuy nhiên, chúng ta không rõ đây là số liệu về các công nhân tự nghỉ việc về quê hay do doanh nghiệp chủ động sa thải nhân viên (dù điều này là không hợp pháp).

https://prima.vn/wp-content/uploads/2021/09/KS8.png
Đồ thị 8: Sự biến đổi của nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp In và bao bì

Dù muốn hay không thì các giám đốc doanh nghiệp in – bao bì đều thống nhất rằng phải duy trì lực lượng lao động chủ yếu trong công ty dù công ty có hoạt động hay không, và phải có chế độ hỗ trợ hay trả lương để giữ chân lao động chờ ngày khôi phục sản xuất. Các số liệu thống kê trên vnexpress cho thấy đa số các doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ phải trả chi phí gấp đôi cho 1 lao động ăn ở và làm việc tại công ty và khoản chi phí trung bình ngoài lương là 9,3 triệu đồng/ người lao động, (https://vnexpress.net/doanh-nghiep-dang-kiet-suc-can-tien-4352350.html).

8. Nguyên vật liệu:

Giá nguyên vật liệu (chủ yếu là giấy) sau một thời gian khan hiếm và tăng giá từ năm 2020, đang có dấu hiệu suy giảm thì đại dịch bùng phát tại TPHCM. Các doanh nghiệp in đã chủ động thực hiện các giải pháp để tồn tại trong đó có những giải pháp thiên về thương lượng và sản xuất dè chừng để tránh rủi ro…Tuy nhiên hơn 70% doanh nghiệp đều cho rằng trong quá trình giãn cách xã hội vừa rồi, tất cả các nguyên vật liệu đều tăng giá.

Tại TPHCM, thời điểm bắt đầu giãn cách từ 15/7/2021, các nhà cung cấp nguyên vật liệu đã cố gắng hết sức để cung ứng vật tư cho nhà in nhưng khó đáp ứng kịp thời vì các hạn chế đi lại ở mỗi địa phương khác nhau và các doanh nghiệp cung ứng vật tư, nguyên vật liệu In – bao bì cũng chưa kịp đăng kí xe tải với các cơ quan chức năng. Tình hình đã được cải thiện vào đầu tháng 8.

https://prima.vn/wp-content/uploads/2021/09/KS9.png
Đồ thị 9: Sự biến đổi của nguyên vật liệu cho ngành In và bao bì

9. Đơn đặt hàng và khả năng nhận hàng:

Đơn hàng chắc chắn sẽ giảm vì tất cả các ngành đều bị ảnh hưởng do giãn cách xã hội và sản xuất bị đình trệ. 83,3% các doanh nghiệp đều cho rằng đơn hàng giảm, 12,5% cho rằng không thay đổi và 4% cho rằng đơn hàng tăng.

https://prima.vn/wp-content/uploads/2021/09/KS91.png
Đồ thị 10: phản hồi của các doanh nghiệp in – bao bì về số lượng đơn hàng.

Khó khăn chồng chất khó khăn từ chuỗi cung ứng và nguyên vật liệu khiến cho khả năng nhận hàng của các công ty in – bao bì bị hạn chế. Các công ty sẽ chỉ nhận hàng nếu đảm bảo mức lợi nhuận cho công ty. Kết quả khảo sát cho thấy khoảng 61% các doanh nghiệp chủ động từ chối bớt các đơn đặt hàng, 35% vẫn nhận hàng như cũ và 4% nhận thêm đơn hàng.

https://prima.vn/wp-content/uploads/2021/09/KS92.png
Đồ thị 11: phản hồi của các doanh nghiệp in – bao bì về tỉ lệ nhận đơn hàng.

10. Lợi nhuận trước thuế trên từng đơn hàng: với tình hình có ít đơn đặt hàng hơn và chủ động giảm công suất tại các nhà máy in – bao bì thì lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp giảm tương ứng. Khoảng 83% các doanh nghiệp thông báo lợi nhuận trước thuế giảm, 13% không đổi

https://prima.vn/wp-content/uploads/2021/09/KS93.png
Đồ thị 12: sự biến đổi của lợi nhuận trước thuế.

11. Dự báo tình hình sản xuất kinh doanh: Trên thực tế, tình hình sản xuất kinh doanh của ngành In – bao bì đã suy giảm từ sau tết và là hệ quả của một loạt các diễn biến bất lợi cho nền kinh tế gây ra bởi đại dịch. Các số liệu khảo sát cho thấy các doanh nghiệp rất bi quan về tương lai. 75% giám đốc doanh nghiệp cho rằng tình hình sẽ tồi tệ hơn trong khi chỉ có 17% lạc quan. Đây là hệ quả tất yếu của việc các doanh nghiệp bị hạn chế liên tục cho dù đã hết sức cố gắng.

https://prima.vn/wp-content/uploads/2021/09/KS94.png
Đồ thị 13: Dự báo về tình hình sản xuất kinh doanh.

12. Các điểm chủ yếu gây trở ngại cho doanh nghiệp:

https://prima.vn/wp-content/uploads/2021/09/KS95.png
Đồ thị 14: Các yếu tố gây trở ngại cho sản xuất kinh doanh.

Điểm mấu chốt khiến các doanh nghiệp đang sản xuất 3 tại chỗ hay dừng sản xuất phải e ngại chính là số lượng đơn hàng giảm (91,3% doanh nghiệp đều lo ngại), tiếp đó là các chi phí do vật tư tăng giá. Nỗi lo sợ về đại dịch chỉ là mối quan tâm xếp thứ 3 trong khi đây là yếu tố gây “sụp đổ hệ thống”. Cuối cùng là các yếu tố liên quan đến chi phí như: chi phí trả lương, chi phí liên quan đến 3 tại chỗ, chi phí cho điều trị Covid, không kịp giao hàng…

KẾT LUẬN

Các số liệu khảo sát trên đây phản ánh tương đối đúng thực trạng ngành in – bao bì của Việt Nam trong mối quan hệ tương hổ với các ngành sản xuất kinh doanh khác và tình hình hiện nay. Tuy các mẫu khảo sát chưa đủ để bao trùm các các doanh nghiệp có quy mô lớn trong ngành in – bao bì nhưng cũng có thể đại diện cho đa số.

Chúng tôi rất mong mỏi quý công ty In và bao bì hỗ trợ thêm cho quá trình khảo sát bằng cách tiếp tục tham gia và vận động các công ty in – bao bì khác cùng tham gia khảo sát. Ngoài việc công bố số liệu khảo sát để phục vụ cộng đồng, chúng tôi sẽ ưu tiên gởi các số liệu cho các doanh nghiệp tham gia khảo sát và mời các doanh nghiệp này tham dự các chương trình – sự kiện của chúng tôi.

Chúng tôi sẽ gởi bản phân tích số liệu này cho lãnh đạo hiệp hội in Việt Nam, hội in TPHCM để quý lãnh đạo đưa ra các định hướng cho ngành In – bao bì Việt Nam.

Nguồn: Prima.vn

Hiện tại chưa có bài viết liên quan đến từ khoá này.
Xem tất cả Bài viết liên quan
Hiện tại chưa có bài viết liên quan đến chủ đề này.