6/10/2023

Chương trình hoạt động Hiệp hội Bao bì Việt Nam

Nhiệm kỳ IV (2023 - 2028)

Những đặc điểm lớn

  • Cuộc đấu tranh quyết liệt của các cường quốc nhằm chiếm ưu thế địa-chính trị đã gây ra khủng hoảng toàn cầu, cần có những đánh giá mới, cách tiếp cận mới trong sản xuất, kinh doanh cũng như tham gia các chuỗi cung ứng, cân bằng giữa đầu tư và tích lũy, sản xuất cung cấp nội địa và xuất khẩu, …
  • Đại dịch covid 19 đã gây ra hậu quả cực kỳ to lớn, các nền kinh tế lớn trên thế giới đang trong quá trình hồi phục. Đại dịch đã điều chỉnh nhận thức, hành động của các quốc gia, các doanh nghiệp.
  • Kinh tế Việt Nam: Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại, thời cơ là rất lớn, nhưng tận dụng thời cơ là không đơn giản. Từ số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 2018 đến 2022 lần lượt là: 7,08%; 7,02%; 2,91%; 2,58%; 8,02% là những con số rất ấn tượng.

Công nghiệp bao bì Việt Nam:

Khi nhắc đến doanh nghiệp bao bì Việt Nam chúng ta ghi nhận mấy đặc điểm:

  1. Việt Nam có 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DN VVN), tỷ lệ này có lẽ cũng đúng với doanh nghiệp bao bì. Nói chung nhỏ là yếu thế, tuy vậy ai cũng biết DN VVN có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, đây là yếu tố quan trọng tạo sự ổn định xã hội. Nói khác đi DN VVN, cần vững mạnh, để góp phần tạo nên một xã hội ổn định với nền kinh tế thịnh vượng,
  2. Bao bì là ngành công nghiệp sớm tiếp cận với kỹ thuật, nguyên vật liệu mới, từ những năm 1990 các thuật ngữ “chế bản điện tử”, “sắp chữ điện tử” đã xuất hiện là những tiền đề quan trọng để công nghiệp bao bì hiện đại hóa kỹ thuật, công nghệ, thậm chí đó là điều kiện tốt để chuyển đổi số. 
  3. Bao bì là Công nghiệp phụ trợ, vì là phụ trợ nên nó lấy sản phẩm mà nó chứa đựng làm điểm xuất phát, làm mục tiêu phục vụ.

Những số liệu mà chúng tôi thu thập trên các tài liệu công bố công khai, Việt Nam có khoảng gần 14.000 doanh nghiệp bao bì (trong đó: giấy 4.500, nhựa 9.200), tuy vậy một con số thống kê khác cho thấy chỉ có khoảng 5.500 doanh nghiệp bao bì. Và cũng dễ thấy các doanh nghiệp bao bì tập trung ở các vùng kinh tế trọng điểm.

Nhìn chung Công nghiệp bao bì VN là ngành có tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định, trong giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng bình quân là 13,4%/năm, bao bì nhựa có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khoản 25%, mỗi năm sử dụng khoảng 1 triệu tấn nhựa. Doanh số bao bì năm 2021 là 13,2 tỉ USD, trong đó bao bì giấy khoảng 3,5 tỉ USD.

Xu hướng cơ bản của công nghiệp bao bì Việt Nam

  1. Gắn liền với các vùng kinh tế trọng điểm, với các ngành chế biến, trở thành thành tố quan trọng trong chuỗi cung ứng. 
  2. Sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp bao bì là sự hợp tác thực chất, cùng nhau tìm cơ hội, cùng nhau phát triển. Cạnh tranh bằng năng suất, chất lượng, dịch vụ, … Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ thành cỡ trung, số doanh nghiệp lớn tăng về số lượng, mạnh về thực lực và có vai trò dẫn dắt.
  3. Xu hướng bao bì xanh, bao bì bền vững; chuyển đổi số và thương mại điện tử; sự thay đổi trong thành phần dân cư, và xu hướng tiêu dùng mới sẽ có vai trò quan trọng từ thiết kế cấu trúc đến thiết kế đồ họa của bao bì.
  4. Bao bì nhựa vẫn là nhóm bao bì có sản lượng nhiều nhất, tuy vậy sự thay đổi là nhựa tái chế sẽ được sử dụng nhiều hơn. Bao bì giấy là nhóm có sản lượng lớn sau nhựa, sản lượng có chiều hướng tăng do sự phát triển của thương mại điện tử, mặc khác bao bì giấy với những nguyên vật liệu và kỹ thuật mới sẽ thay thế một phần bao bì nhựa. Xuất hiện nhiều hơn các “bao bì thông minh”, “bao bì linh hoạt”, … 
  5. Kỹ thuật, công nghệ phát triển nhanh; chuyển đổi số từ xu hướng dần trở thành động lực; cạnh tranh ngày càng lớn từ các yếu tố nước ngoài; là những yếu tố thúc đẩy tiết giảm chi phí, cải thiện năng suất, hoàn thiện công cuộc tiêu chuẩn hóa và xây dựng hệ thống, đặt ra yêu cầu xây dựng “Nhà máy thông minh” của các doanh nghiệp bao bì.
  6. Các doanh nghiệp sản xuất bao bì và doanh nghiệp sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu: giấy, nhựa, mực in, hóa chất…; các nhà cung cấp thiết bị, phụ tùng, …; các tổ chức thẩm định, đánh giá, hình thành quan hệ đối tác ngày càng chặt chẽ.

Những hoạt động chính

1. Kết nối doanh nghiệp bao bì với thị trường

Mục tiêu

  • Làm cầu nối giữa doanh nghiệp bao bì với các ngành hàng lớn;
  • Tao cơ hội để doanh nghiệp bao bì tiếp cận với các chuỗi cung ứng.

Giải pháp:

  • Kết nối doanh nghiệp bao bì với những ngành hàng quan trọng, có kết hợp với các ngành hàng. Ưu tiên chọn các ngành hàng mà Giải Thưởng Bao Bì Việt Nam lựa chọn để bao bì dự thi;
  • Tổ chức gian hàng của Vinpas tại các hội chợ trong nước nhằm giới thiệu doanh nghiệp bao bì;
  • Tổ chức đoàn tham gia hội chợ và tham quan doanh nghiệp bao bì ngoài nước.

2. Nâng cao năng lực nội sinh của doanh nghiệp bao bì

Mục tiêu:

  • Cải tiến năng suất;
  • Nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp thông qua xây dựng tiêu chuẩn và phát triển hệ thống quản trị.

Giải pháp:

  • Tổ chức các hội thảo, các khóa huấn luyện về quản trị, kỹ thuật cho hội viên và doanh nghiệp;
  • Hỗ trợ chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp khi có yêu cầu. 

3. Bao bì bền vững

Mục tiêu:

  • Cung cấp thông tin (luật pháp, công nghệ, nguyên vật liệu, …) kịp thời;
  • Hỗ trợ hội viên khi có yêu cầu.

Giải pháp:

  • Thường xuyên cập nhật chính sách cung cấp cho hội viên cũng như giúp hội viên hiểu đúng chính sách, để thực hiện đúng;
  • Tư vấn, phản biện chính sách liên quan đến doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bao bì nói riêng;
  • Lập nhóm chuyên gia trợ giúp hội viên.

4. Chuyển đổi số của doanh nghiệp bao bì

Mục tiêu:

  • Đồng hành cùng doanh nghiệp bao bì trong quá trình tìm hiểu, thấy rõ lợi ích, xác định bước đi trong quá trình chuyển đổi số;
  • Thực hiện chuyển đổi số bắt đầu từ các giải pháp đơn giản dần đến toàn diện;
  • Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Giải pháp:

  • Cùng đối tác thực hiện trang “Chúng tôi làm bao bì”;
  • Bằng nguồn lực sẵn có từ Vinpas, từ các hội viên phổ biến, tranh thủ nguồn lực của các đối tác, tư vấn, hỗ trợ những giải pháp đơn giản nhưng hữu hiệu cho quá trình chuyển đổi số;
  • Từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu cho ngành bao bì.

5. Thông tin kịp thời có định hướng

Mục tiêu:

  • Đáp ứng thông tin hữu ích và kịp thời cho hội viên;
  • Tập trung phổ biến thông tin thị trường, kỹ thuật, công nghệ.

Giải pháp:

  • Nâng cao chất lượng trang web Vinpas và các nền tảng có sẵn đưa thông tin kịp thời;
  • Duy trì và nâng cao chất lượng bản tin “Chúng tôi làm bao bì” (Tin nóng được đề xuất đổi tên);
  • Hình thành các diễn đàn để trao đổi, kết nối, 

6. Giải thưởng Bao bì Việt Nam

Mục tiêu:

Biểu dương các bao bì xuất sắc, nhằm:

  • Góp phần đề cao, tôn vinh vai trò của công nghiệp bao bì trong nền kinh tế Việt Nam;
  • Khuyến khích ý tưởng sáng tạo bao bì hữu dụng, thân thiện với môi trường.

Giải pháp:

  • Ủy ban Giải thưởng tăng cường liên hệ với doanh nghiệp với hội viên, huy động nhiều doanh nghiệp tham gia;
  • Có nhiều hoạt động trước và sau khi giải thưởng công bố;
  • Tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các hiệp hội, các tổ chức, các doanh nghiệp có liên quan;
  • Giải thưởng được tổ chức hàng năm.     

7. Những vấn đề khác

  • Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước xây dựng tiêu chuẩn cho bao bì Việt Nam;
  • Đóng góp, phản biện chính sách, luật liên quan đến doanh nghiệp và công nghiệp bao bì.

Xây dựng Hiệp hội Bao bì Việt Nam thành tổ chức xã hội nghề nghiệp vững mạnh và có ích cho hội viên

1. Phát triển và nâng cao vai trò, trách nhiệm của hội viên

Đề cao, khuyến khích tính tích cực của hội viên, trước hết là sự đóng góp của những hội viên có quy mô trung bình, lớn, các hội viên FDI và doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài.

2. Xây dựng Ban Chấp hành vững mạnh

  • Ban Chấp hành có cơ cấu hợp lý: các vùng miền, các chủng loại bao bì;
  • Có tỷ lệ Ủy viên Ban Chấp hành trẻ hợp lý;
  • Ban Thường vụ hoạt động thực chất, có đủ lực lượng đảm bảo kế thừa và trẻ hóa.

3. Các chi hội, các ủy ban và Văn phòng Hiệp hội

a) Thành lập các chi hội trực thuộc hiệp hội theo địa phương, theo phân nhóm bao bì. Giúp các chi hội đã có hoạt động hữu hiệu. Đồng thời, nghiên cứu thí điểm thành lập các Câu lạc bộ nhằm tạo sự thích hợp, đa dạng cho hoạt động của hội viên. 

b) Thành lập các ủy ban

* Ủy ban Khoa học- Công nghệ

  • Cập nhật các tiến bộ kỹ thuật và phổ biến kịp thời;
  • Cung cấp thông tin, giải pháp kỹ thuật, xu hướng thế giới về bao bì xanh, bao bì bền vững,

* Ủy ban Liên kết hợp tác: Xây dựng các liên kết: doanh nghiệp bao bì với thị trường, doanh nghiệp bao bì với các đối tác: nguyên vật liệu, công nghệ thiết bị và các dịch vụ khác.

* Ủy ban Tư vấn và Huấn luyện: Tập hợp đội ngũ chuyên gia tổ chức các khóa huấn luyện, hội thảo, tư vấn cho doanh nghiệp theo từng chương trình cụ thể.

* Ủy ban Giải thưởng Bao bì Việt Nam: Hàng năm tổ chức Giải thưởng bao bì Việt Nam và chủ trì các hoạt động nhằm phát huy kết quả của giải thưởng

c) Văn phòng Hiệp hội

 Là cơ quan:

  • Phục vụ hoạt động của Ban Chấp hành;
  • Chịu trách nhiệm hoạt động truyền thông của Hiệp hội;
  • Chịu trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ hoạt động của các ủy ban;
  • Chăm sóc Hội viên.

Các chương trình hoạt động của Hiệp hội khá nhiều, đòi hỏi Ban Chấp hành phải có nhiều nỗ lực, đòi hỏi tất cả hội viên cùng chung tay góp sức. Trong quá trình thực hiện Ban Chấp hành cần căn cứ vào thực tế bổ sung, điều chỉnh chương trình hoạt động để Hiệp hội phát triển vững mạnh./.

ĐẠI HỘI HIỆP HỘI BAO BÌ VIỆT NAM - NHIỆM KỲ IV (2023-2028)