Kinh tế Vĩ mô
15/2/2023

4 thách thức chính của nền kinh tế Việt Nam năm 2023

Năm 2022 nền kinh tế đã có sự tăng trưởng tích cực đạt hơn 8%, tạo tiền đề tốt cho năm 2023.

4 thách thức chính của nền kinh tế Việt Nam năm 2023
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect. Ảnh: PV.

Tuy nhiên, năm 2023 kinh tế được đánh giá vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Những thách thức của kinh tế 2023

Chia sẻ tại Talkshow Phố Tài chính, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect đánh giá, năm 2023 nền kinh tế Việt Nam có thể đối diện với 4 thách thức chính.

Thứ nhất, xuất khẩu, một trong những động lực kinh tế quan trọng của chúng ta sẽ tăng trưởng chậm lại khi nhu cầu của thế giới đang có xu hướng suy yếu rất rõ.

Khó khăn và thách thức thứ hai đến từ việc áp lực lạm phát của năm 2023 có thể sẽ lớn hơn so với năm 2022. Điều này đến từ một số yếu tố trong nước, chẳng hạn như việc tăng giá điện hay là tăng giá một số dịch vụ công thiết yếu khác.

Thách thức thứ ba có lẽ là đến từ việc mà áp lực tỉ giá vẫn ở một mức cao, ít nhất là đến hết quý II/2023.

yếu tố cuối cùng là thách thức từ việc thị trường bất động sản đóng băng cũng như thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa có một biện pháp rõ ràng để tháo gỡ.

Theo bà Hiền, năm 2023 một số động lực chính của nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, chẳng hạn xuất khẩu yếu đi, tỉ lệ lao động thất nghiệp có thể tăng ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng của chúng ta. Bên cạnh đó thì những chính sách hỗ trợ cho sự phục hồi của nền kinh tế khác, như là chính sách tiền tệ cũng đang khó có dư địa để triển khai trong năm nay. Vì vậy, có thể nói đầu tư công được xem là một trong những giải pháp khả thi nhất hiện nay để hỗ trợ cho sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2023.

Nhìn lại lịch sử, khi mà dịch COVID bùng phát vào quý I/2020 đã ảnh hưởng đến những hoạt động sản xuất dịch vụ cũng như là xuất khẩu của Việt Nam. Trong năm đó, đầu tư công của chúng ta lại là một năm rất khởi sắc, con số hoàn thành là trên 80%, cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020. Điều này giúp cho GDP của Việt Nam năm 2020 tăng trưởng là 2,9%, một điểm sáng ở khu vực châu Á Thái Bình Dương khi mà trong năm 2020 nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia đều chứng kiến tăng trưởng âm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Trên bình diện về khu vực cũng như thế giới thì đầu tư công trở thành một công cụ hữu hiệu để thúc đẩy, hỗ trợ cho sự phát triển của kinh tế. Chẳng hạn như ở Philippines mức chi tiêu cho đầu tư công thông thường chỉ ở mức khoảng 3% GDP, nhưng trong giai đoạn 2021-2022 thì Chính phủ Philippines phải đặt mục tiêu đẩy chi tiêu cho đầu tư công lên 7% GDP để bắt kịp với tốc độ phát triển GDP của Việt Nam.

Điểm sáng đầu tư công

Nhìn nhận ở góc độ đầu tư, bà Hiền cho rằng thị trường chứng khoán thường phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về tăng trưởng kinh tế cách đó 6 tháng cho đến 1 năm. Điều này có thể một phần lý giải cho việc thị trường chứng khoán của chúng ta có diễn biến không như kỳ vọng vào nửa cuối năm 2022.

“Nếu nhìn ở thời điểm này thì thị trường đã phản ánh hết câu chuyện của năm 2023 và có thể là nhà đầu tư bắt đầu nhìn về những điều xảy ra đối với nền kinh tế từ giữa năm 2023 cho đến nửa năm 2024. Tôi cho rằng trong nửa đầu năm 2023, thị trường có thể vẫn chưa ghi nhận sự tăng điểm một cách chắc chắn và tôi kỳ vọng bức tranh của thị trường sẽ tươi sáng hơn khi bước vào nửa năm sau của năm 2023 khi chúng ta có những thông tin tốt hơn từ thị trường thế giới cũng như ở trong nước thì giải ngân đầu tư công có được những con số tốt hơn”, bà Hiền nói.

Theo bà Hiền, đầu tư công là một chủ đề rất sáng trong năm 2023 và những nhóm ngành được hưởng lợi từ đầu tư công có thể kể đến như là các nhà thầu, các công ty xây dựng cơ sở hạ tầng và vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, điều đó sẽ phải tùy thuộc vào những dự án cũng như là tùy thuộc vào thời điểm triển khai. Chẳng hạn, đó là những doanh nghiệp có năng lực và có quy mô hàng đầu cũng như có thành tích trong quá khứ sẽ là những doanh nghiệp được lợi nhiều nhất. Tất nhiên, nhìn xa hơn một chút thì đầu tư công không chỉ thu hẹp trong việc cơ sở hạ tầng giao thông mà còn liên quan đến rất là nhiều, chẳng hạn như là cơ sở hạ tầng năng lượng, lĩnh vực mà sẽ thu hút cả đầu tư công lẫn đầu tư khu vực tư nhân trong thời gian tới.

NGUỒN: Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư

Xem tất cả Bài viết liên quan
Hiện tại chưa có bài viết liên quan đến chủ đề này.